Tin tức

Tất cả trẻ con đều thích bóng bay!

Khi Thượng Đế sinh ra A Dam và E Va, chắc Thượng Đế cũng không thể biết trước được rằng có ngày họ sẽ sống chung dưới một mái nhà và được gọi là chồng, là vợ.

Vì vậy, Thượng Đế đã không ban cho họ kỹ năng sống chung, để cả đời họ cứ loay hoay tìm cách hoà hợp. Mặc cho đôi vợ chồng loay hoay tìm cách hoà hợp, những đứa trẻ vẫn được sinh ra bởi chúng luôn đòi hỏi và có một nhu cầu chính đáng, Chúng muốn được sống với cả bố lẫn mẹ. Nhu cầu thiên thần đó của trẻ con đôi khi lại biến thành một câu chuyện rất buồn.

Chuyện xưa kể rằng, có người mẹ trẻ tiễn chồng đi chốn ải xa. Đêm đêm ru con ngủ cùng với nước mắt nhớ chồng. Đứa bé mỗi ngày một lớn. Nó luôn miệng hỏi mẹ: “Cha đâu?”. Mẹ nó không muốn cho nó biết cha đang biền biệt chốn ải xa. Hoặc là mẹ nó cũng muốn tự ru lòng mình. Mẹ  nói với nó: “Con ngoan nhé, tối cha con sẽ về!”. Nghe lời mẹ, đứa bé rất ngoan. Và, nó chờ đến tối. Nó  buồn ngủ lắm nhưng vẫn cố đợi cha về. Buổi tối mẹ  thắp một ngọn đèn dầu. Mẹ ngồi trước ngọn đèn và chỉ cho nó cái bóng in trên vách. Mẹ nó bảo, cha con đấy. Một thời gian sau, cha nó trở về thật. Nó xa lạ với người đàn ông bằng xương bằng thịt. Nó hỏi mẹ, “Cha con đâu?”. Mẹ chỉ vào người đàn ông bằng xương bằng thịt: “Cha con đấy!”. Nó lắc đầu: “Đấy không phải cha con!”. Cha nó nghi ngờ vợ mình không chung thuỷ nên lạnh nhạt với mẹ nó. Mẹ nó đau buồn tự tử mà chết. Một hôm, cha nó thắp ngọn đèn dầu. Bóng cha in trên vách. Nó chỉ bóng đen trên vách: “Cha kia! Cha về kìa!”. Bấy giờ, cha nó mới hiểu ra, đau buồn xót thương người vợ trẻ.

 

 

Chuyện nay kể rằng, xã hội hiện đại, nhiều người mẹ chỉ cần con chứ không cần chồng. Đó cũng là nhu cầu chính đáng của đàn bà. Có những người đàn bà dám sống thẳng thắn với cuộc đời, cứ một mình sinh con rồi nuôi con. Đợi con lớn khôn sẽ nói với con sự thật về thân phận của nó. Và, họ sẽ xin lỗi con vì đã tước mất của con một thứ quyền của nó, đó là quyền có cha hiện diện trong cuộc đời. Đứa con chắc sẽ thông cảm và vẫn rất mực yêu thương mẹ. Nó càng trân trọng mẹ mình hơn, vì mẹ không dạy nó sự dối trá từ chính cuộc đời của mẹ. Đó chẳng phải là một sự tiến bộ của phụ nữ ư? Tại sao cứ phải ép mình có một tấm chồng mà không có sự yêu thương chia sẻ?

Tôi có một cô bạn làm mẹ đơn thân, cô ấy có một nghề nghiệp khá thành công. Cô ấy có nhà riêng, có ô tô. Cuộc sống của hai mẹ con khá sung túc. Để bù đắp những thiếu hụt cho con, cô đã cho đứa bé đi học múa, học bơi, học tiếng Anh từ rất sớm. Cô cho con đi du lịch trong nước và ngoài nước. Tóm lại cuộc sống của hai mẹ con rất đủ đầy. Một hôm, cô có việc phải đi xa nên đã gửi cô con gái đến nhà tôi.

Cô bé xinh xắn dễ thương và rất thông minh. Thế nhưng, trong bữa cơm với cả gia đình tôi, cô bé nhất định không chịu mời chồng tôi. Khi chồng tôi gắp vào bát cho cô bé một miếng thịt hoặc một miếng rau lập tức cô bé gắp trả lại. Chúng tôi biết vì cuộc sống của cô bé chỉ có một mẹ một con nên mới sinh ra không thân thiện với với một người đàn ông bỗng có mặt trong cuộc sống của cô bé, dù là cuộc sống tạm thời chỉ có mấy hôm.

Với tôi và con gái của tôi thì cô bé rất thân thiện, cô bé vui đùa và buổi đêm cô bé chen vào nằm giữa.

Một tuần ở nhà tôi nhưng cô bé vẫn không thể thân thiện được với chồng tôi. Cô bé thường gườm gườm và không trả lời mỗi khi chồng tôi hỏi chuyện. Ngày cuối cùng, tôi hỏi cô bé:

- Cháu có muốn đi chơi không, chúng ta cùng đi?

- Cháu muốn đi đạp vịt ở trên hồ.

- Cô đồng ý, chúng ta cùng chuẩn bị đi nhé. Ba chúng ta nhé, cô, cháu và chị Linh.

- Cháu muốn có cả chú nữa.

- Chú nhà cô?

-Vâng ạ. Cháu muốn cả gia đình ạ. Cháu với chị Linh ngồi ở giữa cô ngồi một bên và chú ngồi một bên ạ.

Tôi chạy vội vào nhà tắm để giấu những giọt nước mắt.

Chúng tôi cùng đi đạp vịt, cô bé rất hạnh phúc. Khi con gái tôi nhảy lên ôm cổ bố thì cô bé rụt rè đến gần và bám vào áo chồng tôi. Chồng tôi biết ý để con gái xuống rồi bế cô bé dâng cao lên trên đầu, cô bé cười váng cả không gian.

Tôi đã kể câu chuyện cho bạn nghe. Bạn tôi khóc:

- “Bạn tưởng chỉ có con bé thiếu hụt thôi sao? Tớ cũng chống chếnh lắm chứ, đó là cái giá của sự tự do đấy bạn ơi. Khi chưa làm mẹ, tớ không bao giờ hiểu được sự cô đơn là thế nào. Công việc, cuộc sống lấp đầy chỗ trống trong tớ. Khi có con, công việc vẫn vậy, cuộc sống vẫn thế còn bận rộn gấp hai vì con nhỏ nhưng cảm giác cô đơn trống trải lại đầy ắp. Mỗi khi con ốm, mỗi khi con cười, mỗi khi con biết lẫy, biết bò, biết đi, rồi biết nói, biết hát… chỉ có một mình để vui, để hạnh phúc, để khổ đau. Để rồi nỗi đau càng đau hơn còn niềm vui, hạnh phúc thì lại biến thành nước mắt tủi thân. Nhưng, mình đã xác định rồi, mình sẽ không cố chấp như hồi trẻ cứ khăng khăng ở một mình. Mình sẽ mở lòng nếu có một người đàn ông tốt bước vào cuộc sống của chúng mình”.

Nhưng có những người mẹ khác không dám sống trung thực như vậy. Họ mượn một người đàn ông làm đám cưới. Một đám cưới giả. Bắt đầu là một sự giả dối nên họ phải kiếm đủ cách để nói dối đứa trẻ. Đứa trẻ bị nuôi trong sự dối trá. Nhưng, trẻ con lại có một bản năng tuyệt diệu để nhận biết sự yêu thương và sự dối trá.

Tôi đã chứng kiến cuộc sống của bà mẹ như vậy. Đứa bé con cô ấy thật xinh đẹp nhưng nó không mấy khi nắm tay mẹ để đi cùng. Nó thường lẽo đẽo đi sau lưng mẹ. Cô ấy dẫn con đi mua hàng chồng sách. Cô ấy muốn bù đắp sự thiếu hụt cho con. Có thể sau này đứa trẻ đó sẽ là thiên tài nhưng cuộc đời vẫn thiếu hụt hai thứ rất quan trọng. Điều thứ nhất là sự hiện diện của người cha bằng xương bằng thịt trong cuộc đời nó. Điều thứ hai, cũng là cái bóng trên tường mà có cái bóng sẽ thành một chùm bóng bay tuyệt diệu của tuổi thơ, có cái bóng thì chỉ là bóng ma dối trá.

Mà, mọi đứa trẻ được sinh ra ở trên đời đều thích bóng bay.

Báo Thế giới và Việt Nam

Tư vấn trực tuyến
Tuyển dụng

Tin tứcTất cả trẻ con đều thích bóng bay!

Tin tứcTất cả trẻ con đều thích bóng bay!

Tin tứcTất cả trẻ con đều thích bóng bay!